Kính thưa quí khách hàng,
Những người có quan hệ huyết thống thuộc hàng thừa kế thứ 1, 2, 3 nhận di sản thừa kế của người chết để lại là một điều đương nhiên xét về cả văn hóa và pháp luật.
Tuy nhiên, để thực hiện quyền nhận thừa kế của mình mà không bị trở ngại về mặt pháp lý đôi khi là những sự khó khăn khó tháo gỡ và đã khiến cho quí khách hàng không thực hiện được quyền nhận di sản thừa kế của mình trong nhiều trường hợp.
Một trong những muôn vàn khó khăn đó chính là khai nhận di sản thừa kế khi người nhận di sản là người dưới 18 tuổi.
1. Thừa kế là gì?
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản, quyền, nghĩa vụ của người chết cho người còn sống (hoặc tổ chức còn tồn tại) theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
- Di sản thừa kế là gì?
Di sản là toàn bộ tài sản hoặc phần tài sản mà người đã chết để lại. Bao gồm:
– Tài sản riêng của người chết (ví dụ: tài sản riên là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở được tặng cho riêng);
– Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (ví dụ: Quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung của vợ, chồng hoặc của hộ gia đình).
- Người thừa kế là ai?
Người thừa kế là cá nhân hoặc tổ chức được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật do người chết để lại.
Người thừa kế bao gồm các cá nhân hoặc tổ chức.
Cá nhân có thể là người thừa kế theo di chúc hoặc là người thừa kế theo pháp luật.
Tổ chức chỉ có thể được thừa kế theo di chúc
- Người chưa thành niên được hưởng di sản thừa kế hay không?
Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.
Người chưa thành niên được pháp luật bảo hộ cho những đặc quyền nhất định. Do đó, được hưởng thừa kế theo các hình thức:
– Thừa kế theo pháp luật
– Thừa kế theo di chúc
– Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Trong đó, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là một đặc quyền pháp luật qui định dành cho những đối tượng là: Cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
- Tài sản thừa kế của người chưa thành niên do ai quản lý?
Pháp luật qui định về các trường hợp quản lý tài sản thừa kế của người chưa thành niên như sau:
– Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý;
– Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác;
– Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.
Một số lưu ý về giám hộ cho người chưa thành niên.
Cha mẹ là người giám hộ đương nhiên đầu tiên của người chưa thành niên. Trong trường hợp người chưa thành niên mất cha mẹ hoặc cha mẹ không đủ điều kiện làm người giám hộ, thì người giám hộ của người chưa thành niên được xác định theo thức tự:
– Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
– Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
– Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Trên đây là qui định của pháp luật để giải quyết cho trường hợp người chưa thành niên nhận di sản thừa kế nói chung. Tuy nhiên, mỗi trường hợp lại có những nhiều tình tiết hoàn toàn khác nhau. Đối với trường hợp người nhận thừa kế đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự thì cũng có một số qui định như đối với người chưa thành niên. Quí khách có thể liên hệ luật sư để được tư vấn hoàn toàn miễn phí cho từng trường hợp cụ thể để cho công việc của quí khách được suôn sẻ và thuận lợi.