Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là gì? Một số điểm lưu ý về việc xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là gì?
Để có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh, sản xuất thực phẩm một cách chặt chẽ và góp phần đảm bảo các thực phẩm này an toàn đối với sức khoẻ, tính mạng con người, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Theo đó, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là một loại giấy phép con được cấp sau khi doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và là văn bản thể hiện sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp.
Một số điểm lưu ý về việc xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Để có thể hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống hay sản xuất, kinh doanh thực phẩm, doanh nghiệp cần xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
- Xác định phạm vi hoạt động của doanh nghiệp tương ứng với các điều kiện xin cấp giấy phép khác nhau. Bởi lẽ, doanh nghiệp lựa chọn hoạt động kinh doanh của mình là cung cấp dịch vụ ăn uống thì sẽ đáp ứng các điều kiện cấp giấy phép khác so với doanh nghiệp lựa chọn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm hay kinh doanh thức ăn đường phố…Việc xác định chính xác phạm vi hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
- Một số điều kiện để xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp cần đáp ứng như:
- Trong sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến: Địa điểm, diện tích thích hợp, nước đạt tiêu chuẩn, trang thiết bị phù hợp, hệ thống xử lý chất thải, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, quy trình sơ chế không bị ô nhiễm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và còn thời hạn sử dụng, tuân thủ các quy định về ghi nhãn, đóng gói, chứa đựng,…
- Trong kinh doanh dịch vụ ăn uống: Bếp ăn không bị nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và đã qua chế biến, nước đạt tiêu chuẩn, có dụng cụ chứa đựng rác thải, dụng cụ nấu nướng chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh, dụng cụ ăn uống an toàn, vệ sinh và giữ khô,…
- Doanh nghiệp cần nắm rõ các trình tự và thủ tục của hồ sơ xin cấp giấy phép tương ứng với từng loại hình hoạt động. Thông thường, doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp giấy phép gồm: Đơn để nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực), bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, giấy các nhận đủ điều kiện sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Thẩm quyền cấp giấy phép: Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm thì Sở Y tế nơi doanh nghiệp có trụ sở sẽ có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì Sở Công thương sẽ có thẩm quyền cấp giấy phép này cho doanh nghiệp.
- Thời hạn cấp giấy phép: Trong vòng 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ tiến hành kiểm tra nơi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện thì sẽ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.