Không xác định được nơi cư trú của vợ/chồng thì ly hôn được không?
Xác định nơi cư trú của vợ/chồng là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng khi yêu cầu Tòa án giải quyết khởi kiện ly hôn. Nếu không xác định được nơi cư trú của vợ/chồng thì làm sao ly hôn?
Một trong những lí do không xác định được nơi cư trú của vợ/chồng:
– Vợ/chồng không muốn ly hôn nên cố tình không cung cấp nơi cư trú của mình;
– Vợ chồng ly thân nhiều năm, vợ/chồng bỏ đi biệt tích không thể biết được nơi cư trú hiện tại ở đâu,còn sống hay là đã chết;
– Vợ/chồng thường xuyên trốn tránh hoặc liên tục thay đổi nơi cư trú…
Xác định nơi cư trú cuối cùng của người vợ/chồng là một công việc cực kỳ quan trọng, là điều kiện cần để thực hiện quyền ly hôn và xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết.
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nơi bị đơn cư trú là Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Vậy, nơi bị đơn cư trú sẽ bao gồm:
– Nơi thường trú: là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
– Nơi tạm trú: là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Do đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người có yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương có thể xử giải quyết vấn đề về nơi cư trú theo các cách thức như sau:
Cách 1: Thực hiện xác minh địa chỉ nơi cư trú của vợ/chồng
Xác minh địa chỉ cư trú của vợ/chồng tại Công an xã/phường nơi vợ/chồng cư trú. Khi thực hiện việc xác minh này thì quí khách có thể tự mình nhờ công an xã/phường xác minh hoặc đề nghị Tòa án có công văn xác minh gửi đến công an xã/phường.
Sau khi có kết quả xác minh của Công an, thì Tòa án sẽ nhận hồ sơ khởi kiện ly hôn hoặc tiếp tục giải quyết vụ án (nếu đã thụ lý vụ án).
Thủ tục này chỉ thực hiện nếu khi biết chính xác về nơi cư trú của vợ/chồng.
Cách 2: Thực hiện Thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú
Trường hợp không thể biết được hoặc biết địa chỉ cư trú của vợ/chồng mà người đó đã biệt tích từ 6 tháng trở lên thì người đơn phương ly hôn cần thực hiện thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú tại Tòa án theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Dân sự 2015.
Sẽ có 2 trường hợp như sau:
– Nếu có tin tức xác thực của vợ/chồng: Tiến hành thực hiện thủ tục ly hôn.
– Nếu không có tin tức xác thực của vợ/chồng: Tiến hành thực hiện thủ tục tuyên bố mất tích tại mục 3 dưới đây.
Cách 3: Thực hiện thủ tục yêu cầu Tuyên bố mất tích:
Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“…
Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
…”.
Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“…
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
…”
Vì vậy, nếu người có yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương đã thực hiện thủ tục Thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú nhưng vẫn không thể xác định được tin tức của vợ/chồng và thời gian biệt tích từ 02 năm liền trở lên, người có yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương có thể thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố mất tích.
Sau khi có Quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án, người có yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương có thể tiếp tục thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định.
Trân đây là hướng dẫn của luật sư để tất cả quí khách hàng có thể áp dụng một cách chung nhất. Mỗi trường hợp thực tế sẽ là khác nhau. Do đó, Trước khi thực hiện quyền đơn phương ly hôn của mình một các suôn sẻ thì quí khách hàng có thể liên hệ luật sư để được tư vấn hoàn toàn miễn phí về trường hợp của mình.