1. Nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất
Theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2024, việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, luật quy định: “Việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật”
Điều này nhằm bảo đảm việc sử dụng đất đai không bị tùy tiện, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển bền vững của từng địa phương và quốc gia. Đồng thời, luật nhấn mạnh vai trò của quỹ đất trong việc phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội, khi quy định: “Bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Qua đó cho thấy, quản lý quỹ đất không chỉ nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất mà còn góp phần thực hiện các chính sách dân tộc, giảm bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy phát triển toàn diện. Các nguyên tắc này không chỉ đảm bảo tính pháp lý, minh bạch mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế thất thoát, lãng phí và đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai.
2. Đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác
Theo quy định tại Điều 113 Luật Đất đai 2024 và Chương V của Nghị định 102/2024/NĐ-CP,
Tổ chức phát triển quỹ đất giữ vai trò trung tâm trong việc tạo lập, quản lý và khai thác quỹ đất công nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an sinh cộng đồng. Cụ thể, Điều 41 của Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định rõ các nhiệm vụ mà tổ chức này được giao thực hiện, bao gồm: quản lý và khai thác quỹ đất do Nhà nước thu hồi, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để tạo lập quỹ đất đưa ra đấu giá, đặc biệt là các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu tái định cư, cũng như bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chính sách đất đai.
Việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án tạo quỹ đất được thực hiện theo trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng sử dụng vốn nhà nước hoặc vốn đầu tư công, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Điều 42 Nghị định 102/2024/NĐ-CP). Nguồn vốn để triển khai các dự án này đến từ nhiều kênh như quỹ phát triển đất, ngân sách nhà nước, hoặc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế từ ngân sách trung ương trong các trường hợp hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy tổ chức phát triển quỹ đất không chỉ là đơn vị quản lý tài sản công mà còn là công cụ quan trọng thực thi chính sách công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Bên cạnh nhiệm vụ tạo lập và phát triển quỹ đất dài hạn, tổ chức phát triển quỹ đất còn có quyền khai thác ngắn hạn các khu đất chưa đưa vào sử dụng lâu dài. Theo Điều 43 của Nghị định 102/2024/NĐ-CP, các khu đất này có thể được cho thuê với thời hạn tối đa 05 năm mà không cần qua thủ tục đấu giá, không yêu cầu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và người thuê không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dù không phải thực hiện thủ tục phức tạp như dự án đầu tư, hoạt động cho thuê ngắn hạn vẫn phải đảm bảo công khai minh bạch, thông qua việc lập danh mục công khai, ký kết hợp đồng, và yêu cầu người thuê cam kết không xây dựng kiên cố, tự tháo dỡ công trình khi được yêu cầu. Doanh thu từ cho thuê đất ngắn hạn sẽ được hạch toán vào nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, khung pháp lý hiện hành đã mở rộng quyền hạn và tính linh hoạt cho tổ chức phát triển quỹ đất, song vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất. Tổ chức này không chỉ góp phần tăng thu ngân sách từ đấu giá đất, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tái định cư, hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển đô thị, phát triển nông thôn và an sinh xã hội trên cả nước.
3. Tổ chức phát triển quỹ đất
Theo Điều 115 Luật Đất đai 2024 và Điều 14 Nghị Định 102/2024/NĐ-CP, tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị được thành lập nhằm mục đích tạo lập, phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất tại địa phương, đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các chính sách đất đai của Nhà nước. Cụ thể, tổ chức này có nhiệm vụ thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; đấu giá quyền sử dụng đất; bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và cho thuê ngắn hạn quỹ đất chưa đưa vào sử dụng lâu dài. Trong đó xác định tổ chức này thường được hình thành dưới hình thức Trung tâm phát triển quỹ đất – một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh hoặc huyện.
Tổ chức phát triển quỹ đất có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, tài khoản riêng và được quyền liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều này thể hiện rõ sự linh hoạt trong mô hình hoạt động, cho phép tổ chức này vừa thực hiện nhiệm vụ công, vừa chủ động khai thác nguồn lực xã hội. Về tài chính, Trung tâm phát triển quỹ đất có nhiều nguồn thu, từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển đất, đến hoạt động dịch vụ, tiền cho thuê đất, tiền bán hồ sơ đấu giá, hay lãi từ hoạt động liên doanh.
Tuy nhiên, để tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả, cần đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm với các cơ quan quản lý tài nguyên, tài chính, xây dựng… Đồng thời, cần tăng cường năng lực chuyên môn và tính minh bạch trong hoạt động đấu giá, định giá đất để tránh thất thoát tài sản công hoặc lợi ích nhóm.
Tổ chức phát triển quỹ đất đặc biệt là dưới hình thức Trung tâm phát triển quỹ đất giữ vai trò chiến lược trong thực hiện chính sách đất đai, từ khâu tạo lập đến khai thác và phân phối nguồn lực đất đai. Đây là một thiết chế quan trọng giúp Nhà nước quản lý hiệu quả tài nguyên đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với nhóm yếu thế như người dân bị thu hồi đất hay đồng bào dân tộc thiểu số.