Việc xác định pháp luật áp dụng cho pháp nhân nước ngoài khác gì với cá nhân?

Trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật áp dụng cho cá nhân và pháp nhân không hoàn toàn giống nhau. Vậy điểm khác biệt là gì? Và vì sao cần phân biệt rõ giữa hai chủ thể này?

1. Khái quát chung về cá nhân và pháp nhân nước ngoài

Trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, việc xác định pháp luật áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân có những điểm khác biệt rõ rệt do đặc thù pháp lý của từng chủ thể.

1.1 Đối với cá nhân:

Cá nhân là một người cụ thể, có quyền và nghĩa vụ dân sự từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Việc xác định pháp luật áp dụng cho cá nhân trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài chủ yếu căn cứ vào quốc tịch và nơi cư trú của người đó tại thời điểm phát sinh quan hệ.

Căn cứ theo Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người đó là:

Người không quốc tịch, thì áp dụng pháp luật của nước nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ. Nếu không xác định được nơi cư trú, thì áp dụng pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất (nơi sống lâu dài hoặc làm việc, nơi có người thân thân, tài sản, học tập, có hoạt động xã hội,…) (khoản 1).

Người có nhiều quốc tịch, thì ưu tiên áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và đang cư trú tại thời điểm phát sinh quan hệ. Nếu nơi cư trú và quốc tịch khác nhau, thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất (khoản 2). Trường hợp có quốc tịch Việt Nam, thì áp dụng pháp luật Việt Nam.

Ví dụ: Một người mang quốc tịch Pháp và Việt Nam, đang cư trú tại Pháp, có tranh chấp tài sản phát sinh tại Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu liên quan đến quyền và nghĩa vụ cá nhân, thì pháp luật Việt Nam sẽ được ưu tiên áp dụng do người này có quốc tịch Việt Nam (theo khoản 2 Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015: Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam).

1.2 Đối với pháp nhân:

Pháp nhân là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có quyền và nghĩa vụ dân sự riêng. Việc xác định pháp luật áp dụng cho pháp nhân chủ yếu căn cứ vào nơi thành lập và nơi thực hiện giao dịch.

Theo Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật áp dụng được xác định như sau:

Quốc tịch pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập (khoản 1).

Các vấn đề như tên gọi, đại diện pháp luật, tổ chức nội bộ, trách nhiệm của pháp nhân… sẽ tuân theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch (khoản 2).

Tuy nhiên, nếu pháp nhân nước ngoài thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam, thì năng lực pháp luật dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam (khoản 3).

Ví dụ: Một công ty được thành lập tại Nhật Bản đang ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ tại Việt Nam. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến năng lực ký kết hợp đồng, thì năng lực pháp luật dân sự của công ty này sẽ được xác định theo pháp luật Việt Nam, bởi vì giao dịch được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam (theo khoản 3 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015).

Đối với cá nhân, pháp luật áp dụng chủ yếu căn cứ theo quốc tịch và nơi cư trú. Đối với pháp nhân, pháp luật áp dụng chủ yếu dựa vào nơi thành lập, nhưng nếu thực hiện giao dịch tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam trong một số vấn đề nhất định.

2. Việc xác định pháp luật áp dụng đối với cá nhân nước ngoài

Việc xác định pháp luật áp dụng đối với cá nhân nước ngoài trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm tính pháp lý rõ ràng, công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ nhất, về căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với cá nhân không quốc tịch hoặc có nhiều quốc tịch

Trường hợp người không quốc tịch: Nếu pháp luật được dẫn chiếu là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch, nhưng người đó không có quốc tịch, thì áp dụng pháp luật của nước nơi người đó cư trú tại thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú, thì áp dụng pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất.

Tình huống minh họa: Một người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản tại Việt Nam. Trong trường hợp này, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết vì Việt Nam là nơi cư trú của người đó tại thời điểm phát sinh tranh chấp. (Theo khoản 1 Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015: “…thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú…”)

Trường hợp người có nhiều quốc tịch: Áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú tại thời điểm phát sinh quan hệ. Nếu quốc tịch và nơi cư trú khác nhau, hoặc không xác định được nơi cư trú, thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất. Một người có quốc tịch Mỹ và Việt Nam, đang cư trú tại Mỹ, phát sinh quan hệ thừa kế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam. Trong trường hợp này, do người này có quốc tịch Việt Nam, pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật Việt Nam. (Theo khoản 2 Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015: “...có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.”)

Thứ hai, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân 

Năng lực pháp luật dân sự là khả năng có quyền, nghĩa vụ dân sự. Khoản 1 Điều 673 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.” Điều này đảm bảo cá nhân nước ngoài không bị phân biệt đối xử, đồng thời tôn trọng nguyên tắc về quốc tịch trong tư pháp quốc tế. Một người quốc tịch Đức sẽ có năng lực pháp luật dân sự theo luật Đức, trừ khi có quy định khác khi họ sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 673 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người nước ngoài đang ở Việt Nam, thì họ có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ khi pháp luật Việt Nam có quy định khác.

Thứ ba, năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Năng lực hành vi dân sự là khả năng cá nhân tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo Điều 674 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:

Năng lực hành vi dân sự được xác định theo pháp luật của quốc tịch của người đó. Một ngoại lệ quan trọng: Nếu cá nhân là người nước ngoài xác lập hoặc thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam, thì năng lực hành vi dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam.

Tình huống giả định: Một người Nhật Bản 16 tuổi ký hợp đồng mua bán nhà tại Việt Nam. Theo luật Nhật có thể người này chưa đủ tuổi, nhưng theo pháp luật Việt Nam, người dưới 18 tuổi không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện hợp đồng này ⇒ giao dịch có thể vô hiệu.

Thứ tư, việc xác định người mất tích hoặc chết

Căn cứ vào quốc tịch tại thời điểm trước khi mất liên lạc, để xác định mất tích hoặc chết theo luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu cá nhân được yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc chết tại Việt Nam, thì áp dụng pháp luật Việt Nam.

Ví dụ: Một người có quốc tịch Mỹ mất tích tại Việt Nam. Nếu thân nhân đề nghị Tòa án Việt Nam tuyên bố mất tích, thì áp dụng pháp luật Việt Nam.

3. Việc xác định pháp luật áp dụng đối với pháp nhân nước ngoài

Việc xác định pháp luật áp dụng đối với pháp nhân nước ngoài trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015, thể hiện sự phân biệt rõ ràng giữa các yếu tố liên quan đến quốc tịch, năng lực pháp luật dân sự và hoạt động tại Việt Nam của pháp nhân.

Trước hết, pháp luật xác định quốc tịch của pháp nhân theo nguyên tắc nơi thành lập. Cụ thể, Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập (khoản 1 Điều 676  Bộ luật Dân sự 2015). Điều này có nghĩa, nếu một pháp nhân được thành lập hợp pháp theo pháp luật Singapore thì sẽ được xác định là pháp nhân mang quốc tịch Singapore, bất kể pháp nhân đó có chi nhánh hay hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hay không.

Tiếp theo, các vấn đề pháp lý liên quan đến tư cách pháp nhân, đại diện theo pháp luật, tổ chức nội bộ, trách nhiệm dân sự và quan hệ giữa pháp nhân với thành viên được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch. Cụ thể, khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật… được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch.” 

Nếu một công ty có quốc tịch Hoa Kỳ đang có tranh chấp giữa các thành viên về quyền biểu quyết trong công ty, thì pháp luật Hoa Kỳ – nơi công ty được thành lập – sẽ là cơ sở để giải quyết tranh chấp đó.

Tuy nhiên, khi pháp nhân nước ngoài tham gia giao dịch dân sự tại Việt Nam, thì năng lực pháp luật dân sự của họ lại được xác định theo pháp luật Việt Nam. Khoản 3 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.”

Nếu một công ty Nhật Bản ký hợp đồng mua bán tài sản tại Việt Nam, thì khi có tranh chấp về năng lực ký kết hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam để xác định tính hợp pháp của hành vi giao kết.

Có thể thấy pháp luật áp dụng nguyên tắc kết hợp linh hoạt giữa pháp luật quốc tịch của pháp nhân và pháp luật nơi giao dịch được thực hiện, nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên trong các quan hệ dân sự quốc tế.

4.  So sánh điểm khác biệt chính giữa cá nhân và pháp nhân

 

Tiêu chí Cá nhân nước ngoài Pháp nhân nước ngoài
Căn cứ xác định quốc tịch Quốc tịch thực tế người đó đang mang. Nếu có nhiều quốc tịch thì xét nơi cư trú hoặc mối liên hệ gắn bó nhất. (Điều 672 BLDS) Quốc tịch được xác định theo nơi thành lập pháp nhân. (Khoản 1 Điều 676 BLDS)
Pháp luật áp dụng trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài Áp dụng pháp luật quốc tịch, cư trú, hoặc nơi có liên hệ gắn bó nhất. Ưu tiên pháp luật Việt Nam nếu có quốc tịch Việt Nam. (Điều 672 BLDS) Áp dụng pháp luật nơi pháp nhân có quốc tịch (tức nơi thành lập). Nếu giao dịch tại Việt Nam → áp dụng pháp luật Việt Nam. (Khoản 2, 3 Điều 676 BLDS)
Năng lực pháp luật dân sự Xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch. (Điều 673 BLDS) Xác định theo pháp luật nước nơi pháp nhân có quốc tịch. (Khoản 2 Điều 676 BLDS)
Năng lực hành vi dân sự Xác định theo pháp luật quốc tịch. Nếu thực hiện giao dịch tại Việt Nam → áp dụng pháp luật Việt Nam. (Điều 674 BLDS) Không có “năng lực hành vi” như cá nhân, nhưng nếu giao dịch tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam. (Khoản 3 Điều 676 BLDS)
Yếu tố “liên hệ gắn bó nhất” Có xét đến trong trường hợp không xác định được quốc tịch hoặc nơi cư trú rõ ràng. (Điều 672 BLDS) Không áp dụng yếu tố “gắn bó”; chỉ căn cứ vào nơi thành lập và giao dịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *