Các trường hợp mà Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo qui định của pháp luật

Việc thực hiện các thủ tục pháp lý để khởi kiện một vụ án sẽ điều được điều chỉnh bởi bộ luật tố tụng dân sự (các vụ án dân sự, lao động, đất đai, doanh nghiệp, thừa kế, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại…) hoặc luật tố tụng hành chính (vụ án hành chính, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hàng vi hành chính của cơ quan, cán bộ nhà nước nói chung). Trong phạm vi bài viết này sẽ phân tích về các tình huống mà tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện theo qui định của bộ luật tố tụng dân sự.

  1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện

  “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự”

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhânmà mình là người đại diện hợp pháp;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
  1. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng  người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Ví dụ: Chưa thực hiện thủ tục hòa giải qua Hòa giải viên đối với tranh chấp về lao động yêu cầu bắt buộc phải qua hòa giải, chưa hòa giải tại UBND xã đối với các tranh chấp đất đai yêu cầu hòa giải,…

  1. Sự việc đã được giải quyết bằng bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại

  1. Hết thời hạn nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí

Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

  1. Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

 Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết.

  1. Người khởi kiện không sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán

 Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật TTDS thì bị trả lại đơn khởi kiện.

  • Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
  • Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.
  1. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện

Người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện. Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.

Trên đây là một số thông tin cập nhật các quy định về các trường hợp mà Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay có nhu cầu khởi kiện vụ án dân sự hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số điện thoại 0932.049.492 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp cùng đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm tại Hãng Luật Anh Đào và Cộng sự.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *