Án tử hình là gì? Những loại tội phạm nào sẽ bị áp dụng án tử hình?

Quyền của con người là bất khả xâm phạm. Đây là quy luật của tự nhiên và quy luật này cũng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần theo hiến pháp của nhiểu nước trên thế giới. Điển hình là hiến pháp của Hoa kỳ. Và, đây là xu thế chung của toàn cầu. Trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước Việt Nam chúng ta cũng vậy, án tử hình rồi sẽ được nghiên cứu và bãi bỏ để hòa nhập với xu thế chung của thế giới trong lĩnh vực hình sự.

Hiện nay cũng còn rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hình phạt tử hình. Trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo luật hình sự của Việt Nam thì không phải tất cả các tội phạm đều bị áp dụng hình phạt tử hình mà hình phạt này chỉ áp dụng đối với một số tội phạm mà thôi.

Án tử hình là gì? Những loại tội phạm nào sẽ bị áp dụng án tử hình?

1. Tử hình là gì?

Theo qui định tại khoản 1, điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định.

Vậy, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì?

Theo qui định tại khoản 4, điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Các tội phạm áp dụng hình phạt tử hình theo qui định của Bộ luật hình sựViệt Nam

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã qui định 18 tội danh có thể bị áp dụng hình phạt tử hình là:

– Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108)

– Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)

– Tội gián điệp (Điều 110)

– Tội bạo loạn (Điều 112)

– Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)

– Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114)

– Tội giết người (Điều 123)

– Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)

– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)

– Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248)

– Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)

– Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)

– Tội khủng bố (Điều 299)

– Tội tham ô tài sản (Điều 353)

– Tội nhận hối lộ (Điều 354)

– Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421)

– Tội chống loài người (Điều 422)

– Tội phạm chiến tranh (Điều 423)

3. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội khi:

– Người dưới 18 tuổi khi phạm tội;

– Phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử;

– Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

4. Không thi hành án tử hình khi:

Cụ thể tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

– Người đủ 75 tuổi trở lên;

– Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Lưu ý: Không thi hành án tử hình có nghĩa là người bị kết án đã bị Tòa án tuyên bằng một bản án có hiệu lực pháp luật với hình phạt là tử hình, nhưng trong quá trình chờ thi hành án thì xuất hiện các tình tiết như trên.

5. Việc thi hành án tử hình sẽ được thực hiện như thế nào?

Theo qui định tại khoản 4, khoản 5, điều 6 của nghị định 43/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của chính phủ thì việc thi hành án tử hình sẽ thực hiện các bước sau.

Người được phân công thực hiện phải:

– Chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng);

– Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm; trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;

– Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình:

+ Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác.

Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác.

+ Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.

+ Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

– Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng;

Mỗi lần tiêm thuốc sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba;

Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.

Việc thực hiện các bước theo quy định có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.

Trên đây là toàn bộ phân tích liên quan đến hình phạt tử hình. Tuy nhiên, không phải phạm vào 18 tội danh nêu trên ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng thì cũng sẽ áp dụng hình phạt tử hình. Qúi khách hàng và thân chủ không nên lo lắng, mỗi vụ án đề có rất nhiều tình tiết có lợi cho khách hàng và thân chủ, việc khai thác các tình tiết đó để giúp khách hàng và thân chủ là nhiệm vụ của luật sư. Do đó, khi đang ở trong trường hợp này thì bình tĩnh và tham vấn ý kiến của luật sư là một điều tối quan trọng.

Trân trọng,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *