Nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

1/ Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo luật hiện hành

 Luật Đất đai 2024 đã quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 91 như sau:

Nguyên tắc đầu tiên được quy định tại khoản 1 Điều 91 chỉ rõ rằng: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung, sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.” Điều này đặt nền tảng quan trọng cho toàn bộ quá trình thu hồi đất, nhấn mạnh tính công khai minh bạch và hướng đến lợi ích chung của cộng đồng.

Về phương thức bồi thường, khoản 2 Điều 91 quy định: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.”

 Đồng thời, luật cũng tôn trọng nguyện vọng của người dân khi quy định: “Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Ngoài ra, đoạn cuối khoản 2 còn quy định linh hoạt hơn: “Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở

Liên quan đến tài sản gắn liền với đất, khoản 3 Điều 91 quy định rõ: “Chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường thiệt hại; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ”. Điều này thể hiện sự bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu tài sản và những người kinh doanh bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất.

Nhà nước còn có trách nhiệm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất, được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 91: “Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất”. Đây là quy định thể hiện trách nhiệm xã hội của Nhà nước, không chỉ dừng lại ở bồi thường vật chất mà còn quan tâm đến sinh kế lâu dài của người dân.

Về khu tái định cư, khoản 5 Điều 91 quy định chất lượng của các khu này, đòi hỏi “phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi”. Khoản này cũng quy định rằng “Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án, tạo sự linh hoạt trong quản lý và triển khai các dự án tái định cư.

Để đảm bảo việc tái định cư được thực hiện đúng quy định, khoản 6 Điều 91 xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi”. Đặc biệt quan trọng, khoản này còn yêu cầu: “Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân được bảo vệ từ sớm.

Theo Khoản 7 Điều 91 cũng quy định cách xử lý một trường hợp đặc biệt: khi diện tích còn lại của thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định. Trong trường hợp này, “nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, “kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất quy định tại khoản này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư, đảm bảo người dân không bị thiệt thòi.

Có thể thấy, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng và hoàn thiện các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về đất đai, hướng tới cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền lợi người dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên thực tế.

2/ Ý nghĩa của việc tuân thủ nguyên tắc bồi thường 

 Các nguyên tắc thu hồi đất đóng vai trò như một hàng rào pháp lý quan trọng, nhằm bảo vệ người dân, thúc đẩy sự công bằng và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và quyền lợi của người sử dụng đất.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *